Thừa Thiên – HuếHoàng Đăng Nhuận – họa sĩ nổi tiếng với trường phái điểm họa – qua đời ở tuổi 79 tại nhà riêng, chiều 14/7.
Họa sĩ Hoàng Đăng Khanh – con trai Hoàng Đăng Nhuận – cho biết ông ăn một chén cháo, nằm nghỉ rồi ra đi bên cạnh người thân. Sau đợt tai biến nặng năm 2009, sức khỏe ông xuống dốc.

Họa sĩ Hoàng Đăng Nhuận (1942 – 2021). Ảnh: Lý Đợi.
Nhiều đồng nghiệp, khán giả thương tiếc một tài năng của làng hội họa. Họa sĩ Khánh Phan cho biết anh từng được xem tranh Hoàng Đăng Nhuận trước năm 1975 tại Huế. Dù ông không tốt nghiệp trường mỹ thuật, tác phẩm vẫn toát lên nét chững chạc, lôi cuốn giới thưởng ngoạn. Lý Đợi – nhà báo chuyên mảng mỹ thuật – nói ngưỡng mộ nghị lực với nghề của cố họa sĩ. Anh từng đến thăm ông sau khi họa sĩ bị tai biến. Lúc đó, dù vừa phục hồi sau sáu tháng mắc bạo bệnh, ông vẫn ngồi xe lăn tập vẽ lại bằng tay không thuận (tay phải).
Họa sĩ Hoàng Đăng Nhuận sinh năm 1942 tại Huế, là hội viên Hội Mỹ Thuật Việt Nam. Có năng khiếu hội họa, dù không theo học mỹ thuật chính quy, ông vẫn thành danh nhờ năm tháng miệt mài tự học, nghiên cứu. Năm 1969, ông có triển lãm cá nhân đầu tiên ở Đà Nẵng. Thời trẻ, ông sống lang bạt để tìm kiếm tư liệu sáng tác. Theo tạp chí Sông Hương, nói đến Hoàng Đăng Nhuận, người ta nhớ ngay đến một “thế hệ vàng” với những nghệ sĩ tài hoa như: Văn Cao, Trịnh Công Sơn, Từ Huy…, những cây cọ đầy góc cạnh như: Đinh Cường, Bửu Chỉ…

“Đốm nhà” (90 cm x 110 cm, sơn dầu) – bức tranh tiêu biểu cho phong cách điểm họa của Hoàng Đăng Nhuận. Ảnh: Lý Đợi.
Nhà phê bình mỹ thuật Huỳnh Hữu Ủy từng nhận xét: “Những nơi chốn anh qua, những vòng tay bạn bè thân ái, những cuộc tình đến rồi đi… đều trở thành vốn sống bền bỉ của khổ đau, hạnh phúc nuôi dưỡng ngọn nguồn sáng tạo trong anh. Thanh lọc thế giới không bằng kích thước và cách nhìn cổ điển nữa, tất cả đều được thu nhận qua cánh cửa trực giác và tình cảm, quay mình lại với bên ngoài để chạm cùng vào những sâu thẳm của tâm hồn”.

Bức “Phố kỷ niệm” của Hoàng Đăng Nhuận. Ảnh: Diễn đàn Thế kỷ.
Hoàng Đăng Nhuận sử dụng nhiều chất liệu và ngôn ngữ hội họa. Sau năm 1975, phong cách nổi tiếng nhất của ông là điểm họa (pointillism) – kỹ thuật tạo hình phát triển ở Pháp hồi cuối thế kỷ 19, vẽ bằng những chấm li ti như một cách pha trộn màu. Thỉnh thoảng, ông thử nghiệm trường phái tân ấn tượng (neo-impressionism) hoặc dã thú (fauvism). Ông có gần 20 triển lãm cá nhân trong và ngoài nước như Liên Xô (cũ), Pháp, Đức, Ba Lan, Bulgaria, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… Tranh ông được trưng bày tại Viện Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Singapore và các bộ sưu tập tư nhân ở châu Á, châu Âu và Bắc Mỹ.
Tam Kỳ
Nguồn: VnExpress
GIPHY App Key not set. Please check settings